Cơn chóng mặt đến thường xuyên cảnh báo bạn có thể mắc các bệnh như viêm tai, sỏi lạc chỗ trong tai, ứ dịch mê nhĩ hoặc viêm dây thần kinh tiền đình.
Chóng mặt (Vertigo) là tình trạng mất thăng bằng gây ra cảm giác xoay vòng vòng hoặc thế giới xung quanh đang quay cuồng, khiến bạn có nguy cơ té ngã.
Chóng mặt có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi
Theo BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chóng mặt là triệu chứng của nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe của cơ thể. Người hay bị chóng mặt có thể mắc các bệnh lý ở tai: sỏi lạc chỗ trong tai, viêm tai trong, viêm dây thần kinh tiền đình, ứ dịch mê nhĩ... Chóng mặt, choáng váng, quay cuồng, khó đứng vững cũng là những triệu chứng các bệnh lý ở não như Migraine tiền đình, nhồi máu não, xuất huyết não, u não...
Bác sĩ Hằng cho biết, chóng mặt xuất hiện khi thay đổi vị trí đột ngột, khi đó người bệnh sẽ có những biểu hiện như mất thăng bằng, quay cuồng, nghiêng ngả, bị kéo về một hướng, choáng váng, đau đầu, buồn nôn, nôn ói. Ngoài ra, đi kèm cơn chóng mặt, người bệnh sẽ có cảm giác đầu căng thẳng, không thể suy nghĩ, tinh thần suy giảm hoặc không ổn định.
Chóng mặt có thể do 3 nhóm nguyên nhân gồm chóng mặt ngoại biên, chóng mặt trung ương và nguyên nhân phối hợp. Nguyên nhân chóng mặt ngoại biên gồm chóng mặt kịch phát tư thế lành tính, bệnh Meniere (ứ nước mê nhĩ), viêm thần kinh tiền đình, u dây thần kinh số VIII. Nguyên nhân chóng mặt trung ương có nhiều loại như Migraine tiền đình, đa xơ cứng, đột quỵ, u não...
Theo bác sĩ Thúy Hằng, hiện tượng chóng mặt có nhiều nguyên nhân nên những nhóm đối tượng bị chóng mặt cũng rộng. Trẻ em, thanh niên, người già đều có thể mắc chứng chóng mặt.
Ở người lớn tuổi và trung niên, theo nghiên cứu công bố tại Mỹ, có khoảng 35% số người bị mắc chứng rối loạn tiền đình có độ tuổi trên 40. Đây là một trong những nguyên nhân gây chóng mặt hàng đầu. Người trung niên và cao tuổi có thể bị chóng mặt do rối loạn tiền đình, thiếu máu não. Riêng người cao tuổi, chóng mặt thường xảy ra lúc nửa đêm, gần sáng. Họ thức tỉnh và không ngồi dậy được do hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, người chao đảo, choáng váng, mất thăng bằng, có thể bị ngã xuống đất.
Ở người trẻ tuổi lao động trí óc là đối tượng thường xuyên mắc chứng chóng mặt. Ngoài ra, họ có thói quen ngồi làm việc một chỗ quá lâu và áp lực công việc dẫn đến não bộ căng thẳng, sẽ xảy ra tình trạng thiếu máu não ngày càng trầm trọng hơn, gây chóng mặt, choáng váng.
Nhóm đối tượng thứ 3 dễ bị chóng mặt là phụ nữ mang thai, tiền mãn kinh. Ở giai đoạn này, tâm sinh lý của phụ nữ thay đổi nhiều. Lý do khiến tâm lý trở nên thất thường như vậy là bởi lượng nội tiết tố nữ thay đổi đột ngột, làm khởi phát cơn chóng mặt.
Ngoài ra, những người từng bị chấn thương đầu cũng có thể bị rối loạn chức năng tiền đình dẫn đến chóng mặt, suy giảm trí nhớ, khả năng làm việc cũng bị suy giảm.
Điều trị sớm tránh biến chứng
Bác sĩ Hằng cho biết, với bệnh nhân bị chóng mặt, bác sĩ sẽ thăm khám xác định tình trạng chóng mặt, sau đó có thể chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, các nghiệm pháp kiểm tra nguyên nhân như kiểm tra sự thăng bằng và dáng đi, phản xạ tiền đình mắt, nội soi tai mũi họng và đo chức năng thính giác. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể áp dụng các biện pháp chẩn đoán như thăm khám thần kinh toàn diện dùng hình ảnh học, chụp CT scan, chụp MRI não.
Chóng mặt kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm khả năng làm việc. Nếu tình trạng chóng mặt lâu dài, kèm theo dấu hiệu như nôn ói, khó thở, sốt, hay tê chân tay thì người bệnh cần phải đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị. Tùy theo nguyên nhân bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị hợp lý, được điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc sử dụng các phương pháp như phục hồi chức năng tiền đình kết hợp hệ thống ICS Impulse, thủ thuật tái định vị sỏi tai...
"Cũng có một số biện pháp phẫu thuật như phẫu thuật giải áp túi nội dịch, phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh tiền đình hay phẫu thuật cắt bỏ mê nhĩ dành cho bệnh nhân bị chóng mặt", bác sĩ Hằng cho biết.
Bên cạnh các biện pháp trên, người bệnh có thể kết hợp điều trị chóng mặt tại nhà bằng việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, lối sống. Cụ thể, người bệnh tránh thay đổi tư thế quá đột ngột, không lái xe, hoặc vận hành máy móc nếu thường xuyên bị chóng mặt, hạn chế sử dụng cà phê, rượu, thuốc lá, tập suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng. Đi lại cẩn trọng, tránh mất thăng bằng, té ngã, sắp xếp đồ vật trong nhà gọn gàng, tránh vật cản đặc biệt trên sàn nhà dễ vấp ngã, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, tập thể thao cũng rất cần thiết.
Trong ăn uống, tránh ăn mặn, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối như xúc xích, thịt nguội, bánh quy...
"Nếu chẳng may bất ngờ gặp cơn chóng mặt thì bạn cần bình tĩnh, nhắm mắt, hạn chế xoay đầu và tìm tư thế có thể bám trụ tránh té ngã. Sau đó, bạn cần ngồi hoặc nằm xuống để nghỉ ngơi. Khi tình trạng chóng mặt xảy ra kèm các triệu chứng ù tai, nghe kém, nôn ói, đau đầu, yếu tay chân..., bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp", bác sĩ Hằng lưu ý.
*Nguồn: Sưu Tầm