Những bệnh xương khớp thường gặp ở bàn tay người nội trợ

Những bệnh xương khớp thường gặp ở bàn tay người nội trợ

Những bệnh xương khớp thường gặp ở bàn tay người nội trợ

Phòng khám đông y Tâm An

Phòng khám đông y Tâm An
Phòng khám đông y Tâm An
logo
 0938.802.809  0938 802 809  Đặt lịch
Những bệnh xương khớp thường gặp ở bàn tay người nội trợ

Tất cả phụ nữ làm nội trợ đều mắc phải một trong các bệnh lý về cơ xương khớp ở bàn tay ít nhất một lần trong đời.

Đôi bàn tay của phụ nữ gần như phải tham gia vào tất cả các công việc nội trợ như dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, giặt giũ... Việc phải hoạt động liên tục khiến đôi tay của nữ giới mắc phải nhiều bệnh lý về cơ xương khớp. ThS.BS.CKI Lê Văn Minh Tuệ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, những bệnh về xương khớp bàn tay thường xuất hiện ở phụ nữ trên 40 tuổi, gây ra những cơn đau dai dẳng và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Công việc nội trợ gây nhiều tổn thương cho đôi tay của chị em phụ nữ. Ảnh: Freepik

Một số bệnh lý thường gặp như:

Ngón tay bật

Đây là tình trạng viêm lặp đi lặp lại ở bao gân gập ngón tay, thường gặp ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn. Triệu chứng đặc trưng của tình trạng này là đau và cảm giác kẹt cứng khi duỗi ngón tay. Cơn đau có xu hướng nặng nhất vào lúc sáng sớm sau khi thức dậy và giảm dần trong ngày. Theo thời gian, người bệnh ngày càng khó cử động và thậm chí không thể gập ngón tay lại.

Để điều trị bệnh lý này, đầu tiên, người bệnh sẽ được cho nẹp khớp bàn đốt duỗi trong 10 - 14 ngày và dùng thuốc kháng viêm giảm đau hoặc tiêm corticoid vào màng gân. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật.

Viêm màng gân duỗi

Viêm màng gân duỗi hay còn gọi là bệnh dạng ngón cái. Động tác dạng và duỗi ngón cái lặp lại thường xuyên, quá sức đã làm cho nhóm gân duỗi, dạng ngón cái bị kích thích hoặc sưng. Người bệnh thường cảm thấy sưng, đau phía mặt ngoài cổ tay, đặc biệt là khi cử động ngón cái hoặc nắm bàn tay lại. Trong một số trường hợp, người bệnh chạm vào vùng ngón cái, bàn tay có thể cảm thấy sưng và u cứng. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ gây đau mạn tính, mất lực ngón tay cái và hạn chế hoạt động của bàn tay.

Phác đồ điều trị viêm màng gân duỗi bao gồm uống thuốc, nghỉ ngơi ngón cái, nẹp bất động ngón cái và cổ tay nếu cần thiết. Nếu tình trạng không cải thiện, người bệnh có thể được chỉ định tiêm corticoid. Phương pháp điều trị cuối cùng là phẫu thuật.

Thoái hóa khớp ngón tay

Đây là tình trạng thoái hóa của các khớp vùng bàn ngón tay, xảy ra do sự hư hại sụn khớp, bao khớp bị viêm. Bệnh lý này làm cứng các khớp ngón tay vào mỗi sáng sớm và trở lại bình thường sau khi cử động một lúc. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy sưng nhẹ và đau khi cử động, nổi cục u cứng ở khớp ngón tay.

Đối với thoái hóa khớp ngón tay, phác đồ điều trị bao gồm dùng thuốc và nẹp bất động khớp nếu quá đau. Tình trạng cứng khớp có thể được cải thiện bằng cách ngâm nước nóng, xoa bóp bằng gel có hoạt chất kháng viêm. Người bệnh có thể dùng thêm các thuốc chống thoái hóa khớp theo chỉ định của bác sĩ.

Hội chứng ống cổ tay

Không chỉ xảy ra ở những người làm việc văn phòng hay người phải chạy xe máy trong nhiều giờ mà bệnh lý này còn rất phổ biến ở chị em nội trợ. Bệnh làm tê các đầu ngón tay của ngón cái, ngón trỏ và nửa ngoài ngón đeo nhẫn. Tình trạng tê tay sẽ tăng lên khi người bệnh giặt đồ, bưng bê, lau dọn... Đáng lưu ý là hội chứng ống cổ tay thường không gây đau nên người bệnh có xu hướng chủ quan, chậm trễ điều trị. Lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng teo các cơ ở vùng mô cái bàn tay, người bệnh gặp khó khăn khi cầm, nắm đồ vật.

Khi bệnh còn nhẹ, các bác sĩ thường dùng thuốc kháng viêm giảm đau nhằm giảm viêm và phù nề của sợi thần kinh. Nếu tình trạng không cải thiện, người bệnh sẽ được chỉ định tiêm corticoid vào ống cổ tay. Biện pháp cuối cùng là phẫu thuật cắt dây chằng ngang cổ tay.

Tình trạng tê mỏi có thể tăng lên khi cổ tay hoạt động quá sức. Ảnh: Freepik

Nang hoạt dịch cổ tay

Khi áp lực bên trong nang cổ tay tăng lên hoặc nang chèn ép các cấu trúc bên cạnh sẽ gây ra tình trạng căng tức, đau cổ tay. Đôi khi, người bệnh có thể cảm thấy tê ở mặt trước cổ tay nếu nang chèn ép thần kinh giữa hoặc thần kinh trụ. Tùy mức độ bệnh, bác sĩ có thể chỉ định chọc hút và bơm corticoid vào nang hoặc cắt bỏ nang.

Để việc chăm sóc gia đình trở thành niềm vui và hạn chế nguy cơ mắc bệnh, phụ nữ nên chia sẻ công việc nội trợ với các thành viên khác trong gia đình, để đôi tay và cơ thể có thời gian nghỉ ngơi. Đồng thời, chị em đừng nên chủ quan, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi cảm thấy bất thường ở đôi bàn tay.

Nguồn: Sưu tầm 

zalo

  Đặt lịch hẹn