Khi thấy ai đó bị đột quỵ đầu tiên phải liên hệ với cấp cứu ngay lập tức, không tự ý sơ cứu và cho uống bất cứ thuốc gì.
Đột quỵ xảy ra khi các mạch máu não bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn, làm mất đi lượng oxy cần thiết cho não hoạt động bình thường. Nếu không có oxy, não sẽ bị tổn thương, thậm chí có thể chết. Người bị đột quỵ thường gặp các thay đổi đột ngột hoặc các triệu chứng có thể thấy như tê và yếu mặt, liệt một tay, chân hoặc một bên cơ thể, nói khó hiểu hoặc khó nói, đi lại khó khăn, mất thăng bằng và gặp các vấn đề về phối hợp.
Dưới đây là những việc nên làm và không nên làm khi sơ cấp cứu người bị đột quỵ.
Nên làm
Khi thấy người bị đột quỵ hoặc nghi ngờ đột quỵ, đầu tiên nên gọi cho cơ sở y tế để người bệnh được cấp cứu càng sớm càng tốt.
Ghi nhớ thời điểm các triệu chứng bắt đầu, nếu bạn biết hoặc có thể nhớ; theo dõi các triệu chứng của người đột quỵ, ghi lại chi tiết. Hãy thông báo cho nhân viên y tế các triệu chứng, mốc thời gian khởi phát triệu chứng sẽ giúp bác sĩ quyết định các lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất.
Nói chuyện với bệnh nhân, trấn an họ bình tĩnh đợi bác sĩ đến.
Kiểm tra mạch của người bệnh và đảm bảo rằng họ đang thở. Nếu cần có thể hô hấp nhân tạo.
Không nên làm
Trong trường hợp đột quỵ, có một số điều bạn không nên làm, bao gồm :
Không tự ý đưa họ đến bệnh viện: vì xe cấp cứu có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhanh chóng hơn và phân loại bệnh nhân trên đường đến bệnh viện để bắt đầu điều trị ngay khi đến nơi.
Không cho thuốc: vì tùy vào từng loại đột quỵ mà một mỗi người sử dụng một loại thuốc khác nhau. Khi chưa có chẩn đoán rõ ràng không thể cho thuốc tự tiện.
Không cho người đó ăn hoặc uống: đột quỵ có thể gây mất kiểm soát cơ ở mặt và cổ và làm tăng nguy cơ mắc nghẹn.
Đồng thời không tự ý sơ cứu người bị đột quỵ bằng các biện pháp truyền miệng như cạo gió, ngậm chanh...
Sau đột quỵ quá trình phục hồi của bệnh nhân rất quan trọng. Cần sắp xếp nhà cửa để đảm bảo rằng bệnh nhân đột quỵ có thể đi lại dễ dàng và an toàn nhất có thể. Những gia đình có người đột quỵ cần lưu ý cải thiện lớp trải sàn, chẳng hạn như loại bỏ các tấm thảm có nguy cơ vấp ngã, dành nhiều không gian hơn để đi bộ và không dựa vào đồ đạc để đi bộ, lắp đặt lan can, đi giày bệt, hạn chế đi bộ khi mất tập trung, sử dụng khung tập đi và các dụng cụ hỗ trợ khác theo quy định.
Nguồn: Sưu tầm