Vặn lưng khi mỏi, ngồi xổm, đi giày cao gót… là những thói quen tưởng chừng như vô hại nhưng lại đang âm thầm phá hủy hệ cơ xương khớp.
ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, một số thói quen trong sinh hoạt hàng ngày đang âm thầm phá hủy hệ cơ xương khớp, gây ra những cơn đau nhức dai dẳng, có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Vì vậy, để bảo vệ hệ cơ xương khớp khỏe mạnh, bạn nên tránh các thói quen sinh hoạt dưới đây:
Bẻ tay, vặn lưng hoặc cổ quá mức
Hành động bẻ tay, vặn lưng, vặn cổ có thể mang đến cảm giác dễ chịu nhất thời nhưng sẽ buộc các khớp phải hoạt động đột ngột và quá mức. Từ đó phá hủy các cấu trúc sụn và dây chằng xung quanh khớp, dẫn đến thoái hóa khớp, biến dạng khớp, to khớp ở vùng các ngón tay, rách dây chằng, thoát vị cột sống cổ hoặc thắt lưng, thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh...
Cảm giác đau mỏi ở khớp thường là do sự quá tải của hệ thống cơ dây chằng. Để loại bỏ những cảm giác khó chịu này, thay vì vặn, bẻ các khớp, bạn nên xoa bóp khu vực này. Xoa bóp giúp thư giãn hệ thống cơ và dây chằng, tăng tưới máu, từ đó giảm đau mỏi hiệu quả.
Đi giày cao gót
Để giữ thăng bằng, trọng tâm cơ thể của người mang giày cao gót sẽ bị đưa ra trước, buộc ngực phải ưỡn và lưng cong ra trước. Tư thế này làm cho các cơ của cột sống thắt lưng, cơ bắp chân và gân gót phải co thắt liên tục, dẫn đến đau mỏi; mất vững các cấu trúc cột sống, khớp gối, cổ chân và dễ gây té ngã, tổn thương khớp.
Ngoài ra, khi mang giày cao gót, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ chuyển lên xương bàn và ngón chân. Các nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi 2,5cm độ cao tăng thêm của gót giày sẽ làm tăng 22 - 25% áp lực lên bàn chân trước. Đây là nguyên nhân thường gặp dẫn đến thoái hóa khớp bàn ngón ở chân.
Ngồi lâu
Thói quen ngồi lâu liên tục trên 2 giờ làm mỏi nhóm cơ cạnh cột sống. Lúc này, lưng sẽ có xu hướng khòm xuống và cúi ra trước, dẫn đến căng các nhóm cơ và dây chằng phía sau đốt sống. Tình trạng này kéo dài sẽ gây tổn thương các đốt sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống. Vì vậy, để phòng ngừa đau thắt lưng và mệt mỏi, bạn nên tránh ngồi quá lâu; nên đi lại, tập các bài tập đơn giản về cơ cột sống.
Cho ví vào túi sau khi ngồi
Khi ngồi, trọng lượng cơ thể sẽ từ cột sống phân chia đều sang 2 bên khung chậu. Vì vậy, nếu mang ví dày ở một bên túi sau khi ngồi sẽ làm lệch trục của cơ thể. Về lâu dài, đặc biệt là đối với những người làm công việc ngồi lâu như tài xế, nhân viên văn phòng, thủ thư... thì việc lệch trục cơ thể có thể dẫn đến viêm hoặc thoái hóa khớp cùng chậu, gây đau mạn tính một bên hông.
Ngồi xổm, vắt chéo chân
Khi co gối để di chuyển hoặc cử động, áp lực do cơ ở phần đùi và gân bánh chè sẽ chèn ép lên xương bánh chè. Khi đi bộ, lực này bằng 1/2 trọng lượng cơ thể nhưng khi ngồi xổm sẽ tăng lên gấp 7 - 8 lần. Khi lực tác động quá lớn sẽ phá hủy sụn xương bánh chè và sụn xương đùi, gây ra các cơn đau, thoái hóa khớp chè đùi.
Khi ngồi vắt chéo chân, xương bánh chè sẽ cọ xát với các xương khác, gây đau vùng trước khớp gối. Đối với những người đã bị đau khớp gối, ngồi vắt chéo chân làm cho các sụn đã thoái hóa tiếp tục bị đè xoắn, làm bệnh nghiêm trọng hơn.
Dùng thuốc giảm đau không theo chỉ định của bác sĩ
Thuốc giảm đau kháng viêm là nhóm thuốc bị người bệnh tùy ý sử dụng nhiều nhất. Lạm dụng nhóm thuốc này có thể làm tổn thương nhiều cơ quan trên cơ thể như dạ dày, tim, thận... Đối với hệ cơ xương khớp, nhóm thuốc kháng viêm mạnh như corticoid mang lại hiệu quả điều trị cao nhưng nếu dùng lâu dài sẽ gây loãng xương, lệ thuộc thuốc và dẫn đến hội chứng cushing gây rối loạn các chức năng của cơ thể. Vì vậy, bất kể dùng thuốc gì, người bệnh cũng nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thăm khám ngay khi có bất thường.
Theo bác sĩ Duy Ân, để bảo vệ hệ cơ xương khớp khỏe mạnh, phòng tránh thoái hóa khớp sớm, bạn nên từ bỏ các thói quen xấu kể trên. Đồng thời, cần xây dựng một lối sống lành mạnh, dinh dưỡng đủ chất và thường xuyên vận động.
Nguồn: Sưu tầm