Tiêm collagen là phương pháp điều trị hiệu quả các bệnh về khớp, tuy nhiên, không phải người nào gặp vấn đề ở khớp cũng có thể sử dụng liệu pháp này.
ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết tiêm collagen có thể được chỉ định trong điều trị các bệnh lý liên quan đến khớp như viêm màng hoạt dịch không đặc hiệu, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến, viêm khớp do chấn thương...
Collagen là một trong những thành phần nền ngoại bào của sụn, đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và đảm bảo độ dẻo dai, vững chắc của sụn khớp, bảo vệ xương dưới sụn. Ngoài ra, đây còn là chất trung gian kích thích sản xuất chất giảm đau, giảm sưng, hỗ trợ tái tạo tế bào sụn và ngăn chặn sự mài mòn, biến dạng khớp.
Dù rất hiệu quả trong việc điều trị nhưng bác sĩ Vũ cho hay không phải người mắc bệnh lý nào về khớp cũng nên tiêm collagen. Liệu pháp tiêm collagen không được chỉ định cho những trường hợp mắc các bệnh về khớp như viêm khớp nhiễm khuẩn, u xương lành tính hoặc ác tính, khớp bị tổn thương do bệnh lý thần kinh... Những người bệnh khớp mắc các vấn đề về sức khỏe khác như có bệnh về máu, đái tháo đường chưa được điều trị ổn định, vùng da quanh khớp định tiêm bị nhiễm khuẩn, người suy giảm miễn dịch, người phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao trong một thời gian dài... cũng không được tiêm collagen.
Ngoài ra, tiêm collagen còn có thể làm phát sinh các biến chứng như nhiễm khuẩn ổ khớp sau tiêm, áp xe tại chỗ, xốp xương, teo cơ, mất vận động khớp... nếu quá trình tiêm không đảm bảo vệ sinh và đúng kỹ thuật.
Hiện nay có rất nhiều loại collagen tiêm khớp khác nhau. Mỗi loại collagen được sử dụng cho từng loại khớp, mô cụ thể hoặc hỗ trợ điều trị các bệnh lý thực thể có tác động đến tổ chức phần mềm, mô cơ, hệ thần kinh... Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả điều trị, collagen cần được tiêm đúng loại, đúng liều lượng và đúng vị trí. Bên cạnh đó, nếu cơ sở tiêm không đạt tiêu chuẩn vô khuẩn hoặc không làm vô khuẩn tốt ở vùng da trước khi tiêm có thể dẫn đến nhiễm khuẩn khớp, nhiễm khuẩn toàn thân, nhiễm khuẩn huyết...
Tùy thuộc vào tình hình bệnh lý và sức khỏe tổng quát của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định tiêm collagen như một liệu pháp riêng biệt hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác. Những phương pháp này bao gồm kê đơn thuốc kháng viêm không steroid, tập vật lý trị liệu, phẫu thuật. Trong đó, phẫu thuật sẽ được chỉ định khi các phương pháp điều trị nội khoa không có tác dụng hoặc khớp bị tổn thương nghiêm trọng. Mỗi phương pháp đều sẽ có những ưu và nhược điểm riêng. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả điều trị, bất kể được chỉ định dùng phương pháp nào, người bệnh đều cần thực hiện một lối sống khoa học với chế độ dinh dưỡng lành mạnh và vận động thường xuyên.
Bác sĩ Anh Vũ cho biết, nếu tiêm đúng thời điểm, kỹ thuật và liều lượng, liệu pháp này không chỉ hiệu quả cho người bệnh bị thoái hóa nhẹ mà còn với những người bệnh thoái hóa cơ xương khớp ở mức độ vừa và nặng, từng thất bại khi điều trị bằng các phương pháp khác. Đặc biệt, trong một số trường hợp nhất định, tiêm collagen còn được chỉ định cho những người bệnh sau phẫu thuật để cung cấp dưỡng chất cho khớp, thúc đẩy tốc độ tái tạo sụn khớp, rút ngắn quá trình phục hồi các mô bị tổn thương, ngăn ngừa sự phá hủy các sợi collagen khác của sụn.
Vì vậy, bác sĩ Vũ lưu ý, để tối ưu hiệu quả điều trị các bệnh lý về khớp và phòng ngừa biến chứng, người bệnh không nên tự ý tiêm collagen tại nhà mà hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được tiêm đúng cách. Trường hợp không thể tiêm collagen, người bệnh có thể bổ sung collagen type 2 không biến tính, collagen peptide qua đường uống để hỗ trợ phục hồi chức năng sụn khớp, làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
Nguồn: Sưu tầm