Thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp đều gây ra đau khớp nhưng khác nhau về nguyên nhân, vị trí cơn đau, dị tật…
Thoái hóa khớp (OA) và viêm khớp dạng thấp (RA) đều là hai dạng phổ biến của viêm khớp. Tuy nhiên, chúng có một số điểm khác nhau dưới đây:
Nguyên nhân gây bệnh
RA là bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô trong cơ thể. Từ đó gây ra các cơn đau nhức, sưng viêm khớp. Di truyền, nội tiết tố, hút thuốc và tình trạng nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn... có thể là nguyên nhân gây ra sự rối loạn miễn dịch.
Ở bệnh OA, sụn khớp bị mất đi khiến các khớp cọ xát vào nhau gây nên những cơn đau. Tuổi tác, di truyền, chấn thương khớp, vận động quá mức, béo phì, và yếu cơ được cho là nguyên nhân hàng đầu gây hao mòn sụn khớp.
Triệu chứng
Bệnh nhân RA thường sẽ thức dậy vào buổi sáng với tình trạng cứng khớp có thể kéo dài vài giờ. Bệnh nhân OA cũng có thể gặp tình trạng này nhưng thường giảm trong vòng nửa giờ, đôi khi có thể trở lại sau khi vận động.
Bệnh nhân RA có thể cảm thấy ốm, mệt mỏi toàn thân, sốt nhẹ, đau cơ, trầm cảm, tổn thương thần kinh, khô mắt, miệng... Nếu không điều trị chứng viêm, RA có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tất cả các loại cơ quan, nguy cơ cao mắc bệnh tim hoặc một số bệnh ung thư.
Độ tuổi
Thoái hóa khớp là căn bệnh phổ biến ở người già, là kết quả của sự lão hóa, trong khi viêm khớp dạng thấp có thể phát triển ở bất kỳ độ tuổi nào, phổ biến nhất trong khoảng 30-50 tuổi. Hiếm khi người trẻ bị thoái hóa khớp, trừ khi gặp chấn thương trong thể thao hoặc tai nạn giao thông...
Thuốc điều trị
Thoái hóa khớp thường được điều trị với các thuốc steroid dạng tiêm hoặc NSAID đường uống để cắt cơn đau. Ngoài những loại thuốc này, người bệnh RA cũng được chỉ định dùng steroid đường uống mạnh hơn. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc được sử dụng tương tự trong hóa trị ung thư với liều lượng thấp hơn để ngăn ngừa sự phá hủy khớp.
Vị trí cơn đau
Cả hai bệnh đều ảnh hưởng đến khớp nhưng vị trí cơn đau ở mỗi bệnh là khác nhau. RA thường tấn công các khớp nhỏ hơn đầu tiên, từ cổ tay, bàn tay đến ngón chân, thường là các bộ khớp, có tính đối xứng, gây ra sưng đỏ, nóng khớp.
Với OA, các khớp chịu trọng lượng lớn hơn như hông và đầu gối thường bị tổn thương nặng nhất và không có tính đối xứng, có thể chỉ bị một bên trong khi bên kia hoàn toàn bình thường.
Viêm khớp dạng thấp có thể lây lan từ bên này sang bên khác, sau đó tới khoảng 30 khớp khác nhau khắp cơ thể trong khi thoái hóa khớp chỉ ảnh hưởng đến một số khớp nhất định.
Dị tật
Biến dạng khớp thường gặp ở người bệnh RA hơn OA, sau cùng có thể dẫn đến xói mòn và dịch chuyển khớp. Trong đó, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là ở bàn tay, có thể bị biến dạng nghiêm trọng. Khoảng 20-30% bệnh nhân RA có các cục u cứng dưới da, thường ở dưới khuỷu tay, có kích thước khác nhau trong giai đoạn nặng. Tình trạng viêm do RA có thể dẫn đến tổn thương tim, phổi và mắt.
Bệnh nhân thoái hóa khớp có nguy cơ xuất hiện các cục xương gây đau nhức ở ngón tay, vai, khuỷu tay, hông, đầu gối hoặc mắt cá chân, làm giảm khả năng vận động, không có các cục u cứng.
Giới tính
Phụ nữ mắc RA nhiều gấp 3 lần nam giới và có thể gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, bao gồm cả đau đớn và trầm cảm. Trong khi đó, cả hai giới đều có nguy cơ bị thoái hóa khớp như nhau, chỉ khác về độ tuổi. Nam giới dưới 55 tuổi có nguy cơ cao còn phụ nữ có xu hướng mắc OA ở độ tuổi cao hơn.
Khởi phát và tiến triển
Là một bệnh tự miễn, RA có thể bùng phát đột ngột và sau đó giảm dần theo một mô hình khó dự đoán, gây khó khăn cho việc chẩn đoán, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Tình trạng bùng phát và tiến triển có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân.
OA nói chung tiến triển chậm trong nhiều năm do sụn bị mài mòn, gây ra sự cọ xát giữa các xương gây đau đớn.
*Nguồn: Sưu Tầm