Bé gái 3 tuổi nhập viện trong tình trạng hai ngón tay cái co cứng, được bác sĩ BVĐK Tâm Anh Hà Nội phẫu thuật, phục hồi vận động.
Đầu tháng 11, bé Phương (Gia Lâm, Hà Nội) đến khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Chị Thu, mẹ bé cho biết đã phát hiện con bị tật ở ngón tay từ lâu nhưng khi đó bé vẫn cầm nắm được đồ vật nên có phần chủ quan. Gần đây, chị thấy ngón cái của con không bình thường, chạm vào mới biết ngón cái bị co cứng, gấp lại, không duỗi được, ảnh hưởng đến việc cầm nắm và sinh hoạt.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Ban, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, xác định bé Phương Thảo mắc chứng viêm gân gấp ngón cái (hay còn gọi ngón tay lò xo, ngón tay bật, ngón tay cò súng) là bệnh lý thường gặp ở trẻ từ 0 - 3 tuổi. Bệnh xảy ra do tình trạng viêm bao gân ở ngón tay.
Vận động của ngón tay được thực hiện qua hoạt động gấp, duỗi của sợi gân, nằm trong hệ thống bao gân và ròng rọc. Tình trạng viêm gân gấp ngón tay xảy ra khi hoạt động của gân gấp với bao gân và ròng rọc bị cản trở.
Ở trẻ nhỏ, ngón tay còn tiếp tục dài ra, việc bị bất động quá lâu dễ khiến gân gấp bị co ngắn, gây khó khăn cho việc quay trở lại vận động, ngay cả khi đã phẫu thuật. "Bé Phương mắc ở giai đoạn 4, giai đoạn nặng nhất nhưng rất may vẫn kịp thời để can thiệp vì gân gấp vẫn còn đủ dài, chưa bị co ngắn. Do đó, sau phẫu thuật không cản trở gì đến việc tái cấu trúc ngón tay của bệnh nhân, phòng ngừa tái phát sau này", bác sĩ Ban chia sẻ.
Cuộc phẫu thuật được thực hiện với một vết rạch tầm 0,5 -0,7cm ở phần da phía trên gân gấp (Pulley A1), cắt bỏ phần viêm xơ để giải phóng vị trí gân bị kẹt lại. Bệnh nhân sau đó được băng cố định ngón cái 1 tuần. Bé tỉnh táo nhanh, theo dõi trong một ngày và được xuất viện, khi tái khám, vết mổ nhỏ, phục hồi tốt.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Ban, mức độ tiến triển bệnh chia thành 4 giai đoạn: đầu tiên đau ở khớp liên đốt (chỗ khớp bàn ngón), tiếp đó, tình trạng đau tăng lên kèm theo gặp khó khăn khi gấp, duỗi ngón tay. Giai đoạn ba, ngón tay bị co cứng ở vị trí gấp đốt, bệnh nhân không thể tự co duỗi mà phải cần tới sự trợ giúp. Giai đoạn 4 là giai đoạn nặng nhất, khi đó ngón tay bất động hoàn toàn, không thể cử động được.
Trẻ nhỏ có thể mắc bệnh lý ngón tay lò xo do trong quá trình phát triển hệ thống gân gấp ngón tay bị ảnh hưởng. Hoặc một nguyên nhân khác là do gân phát triển nhanh gây chít hẹp bao gân dẫn tới viêm gân, người bệnh gặp khó khăn trong vận động gấp duỗi ngón.
Bác sĩ Ban cũng khuyến cáo, cha mẹ cần phát hiện kịp thời những bất thường ở trẻ nhỏ lúc tắm hoặc chơi đùa cùng con để kiểm tra ngón tay xem có gì bất thường không, khi bé kêu đau nên theo dõi và đưa đi thăm khám.
Phẫu thuật ngón tay cò súng kết hợp với tập vật lý trị liệu thì tỷ lệ hồi phục cử động khá cao nhưng điều quan trọng các bậc phụ huynh sau khi phát hiện nên đưa bé đến khám sớm vì nếu để lâu gân gấp có thể bị co rút khiến cho việc điều khị khó khăn hơn rất nhiều.
Nguồn: Sưu tầm