Phụ nữ có nhiều nguy cơ gặp chấn thương hơn nam giới do đặc điểm cơ thể, sức mạnh của các cơ bắp và các nội tiết tố.
Chấn thương đứt dây chằng chéo trước là tình trạng dây chằng bị đứt một phần hoặc toàn bộ khi thay đổi chuyển động đột ngột, vấp hoặc ngã làm dây chằng chéo bị căng. Đây là một trong những chấn thương thường gặp khi chơi thể thao.
Theo các bác sĩ chấn thương chỉnh hình, tình trạng đứt dây chằng chéo trước khi chơi thể thao thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, phổ biến ở độ tuổi 15-45. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, đặc biệt là khi cố gắng đứng thẳng, đi lại. Trong 24 giờ đầu tiên kể từ khi gặp chấn thương sẽ xuất hiện hiện tượng sưng tấy quanh đầu gối.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết phụ nữ dễ bị đứt dây chằng chéo trước khi chơi thể thao hơn nam giới chủ yếu là do cấu trúc cơ thể. Kết quả nghiên cứu nhóm cơ vùng gối cho thấy, nhóm cơ chân ngỗng ở sau gối của phụ nữ kém phát triển hơn so với cơ tứ đầu đùi. Hai chân ở phụ nữ cũng không phát triển đồng đều như nam giới.
Trong phân tích tư thế chạm đất của nam và nữ khi chơi thể thao, người ta nhận thấy rằng, phụ nữ thường đứng thẳng người trong khi nam giới gập gối và háng lại. Tư thế này của nam giới làm co người lại, từ đó giảm thiểu lực tác động lên gối.
Ngoài ra, ở phụ nữ, cấu trúc đầu gối vẹo ngoài và háng khép lại nhiều hơn nên khi tiếp đất, gối của phụ nữ có xu hướng bị bẻ vẹo vào trong, dễ dẫn đến tổn thương dây chằng chéo trước. Một số sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới như kích thước dây chằng, mức độ khuyết ở lồi cầu đùi, nồng độ hormone estrogen, progesterone, relaxin... cũng được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương dây chằng ở phụ nữ.
Tại Hội nghị Thế giới về Chấn thương Thể thao tổ chức tại Hong Kong, các chuyên gia y tế đã đưa ra một số bài tập về phòng ngừa đứt dây chằng chéo trước, đặc biệt là ở phụ nữ bao gồm: bài tập tăng giảm tốc độ đột ngột; nhảy sang bên và nhảy lên cao; bài tập tiếp đất bằng 2 chân ở tư thế gập gối, háng gập nhẹ nhằm làm giảm phản lực khi tiếp đất... Một số bài tập khác cũng được đề nghị như: bài tập tăng cường sức cơ chân ngỗng sau gối để giữ vững gối ở phía sau, bài tập giúp phát triển đều cơ ở 2 chân.
Bác sĩ Nam Anh chia sẻ thêm, bên cạnh việc rèn luyện các bài tập nâng cao sức mạnh đôi chân, để phòng ngừa chấn thương dây chằng chéo trước, cả phụ nữ và nam giới cần lưu ý: khởi động kỹ trước khi chơi thể thao, vận động vừa sức và xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn uống khoa học.
Khi phát hiện dấu hiệu cảnh báo tổn thương dây chằng, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kịp thời điều trị, giảm nguy cơ phát triển các biến chứng như rách sụn chêm, tổn thương sụn khớp, lệch mâm chày ra phía trước làm mất vững khớp gối, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp gối và cuối cùng là biến chứng thoái hóa khớp gối sớm. Tùy theo mức độ tổn thương, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.
Trong trường hợp phải phẫu thuật, thời gian thích hợp nhất là trong khoảng 7- 60 ngày sau khi dây chằng bị đứt. Dù có nguy cơ cao bị đứt dây chằng chéo trước khi chơi thể thao, tỷ lệ tái tạo dây chằng thành công, khả năng quay lại với các môn vận động ở nam và nữ là như nhau.
Nguồn: Sưu tầm