Sau phẫu thuật cắt sẹo, tạo hình che phủ khuyết da gan bàn tay bằng kỹ thuật vi phẫu, người bệnh được phục hồi chức năng bàn tay do di chứng bỏng điện.
Ba tháng sau cuộc phẫu thuật phục hồi chức năng bàn tay, anh Vũ Văn Ngọc (38 tuổi, Điện Biên) vui mừng khi đến tái khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội vào đầu tháng 12. Anh Ngọc từng rơi vào bế tắc khi bị điện giật, mọi công việc phải dùng tay không thuận là tay trái. Nghề chính là cắt tóc nhưng bàn tay phải của anh bị co cụm, không cầm được kéo do di chứng bỏng điện.
Giáo sư Nguyễn Việt Tiến, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, bệnh nhân bị sẹo dính ngón II, III, IV, V vào vùng IV gan bàn tay, mỏm cụt đầu xương bàn I của ngón tay cái. Di chứng do bỏng điện của bệnh nhân Ngọc là tổn thương phức tạp. Sẹo bỏng nằm ở vùng liên quan tới vận động bàn tay, làm mất chức năng gấp - duỗi các khớp bàn - ngón tay và cụt mất ngón tay cái. Do vậy, bàn tay mất hoàn toàn chức phận, lại là tay thuận. Tình trạng này cũng gây khó khăn trong phẫu thuật để phục hồi chức năng của chi thể.
Giáo sư Tiến cho biết thêm, cắt sẹo, gỡ dính, làm duỗi các ngón ở tư thế chức phận sẽ để lại mảng khuyết da lớn ở gan bàn tay, đây là vùng làm việc nên da phải dày và có cảm giác. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu điều trị, qua tính toán kích thước tổn thương và nghiên cứu đặc điểm cụ thể những nơi có thể lấy được vạt da có thần kinh cảm giác, bác sĩ đã sử dụng vạt da cân lấy ở phía ngoài 1/3 dưới cánh tay. Mạch máu nuôi và dây thần kinh cảm giác của vạt được nối với mạch máu, thần kinh cảm giác bàn tay.
Do đường kính ngoài mạch máu khoảng 1 mm nên việc khâu nối động mạch, tĩnh mạch và các bao bó sợi dây thần kinh của vạt với mạch máu, thần kinh bàn tay mất nhiều thời gian. Bác sĩ phải sử dụng kim chỉ cực mảnh (đường kính sợi chỉ = 1/50 mm, đường kính kim khâu = 1/10 mm) để thực hiện, dưới sự phóng đại của kính hiển vi phẫu thuật. Cuộc phẫu thuật kéo dài gần 6 tiếng.
Sau phẫu thuật, anh Ngọc tập phục hồi chức năng tại nhà với các bài tập gấp - duỗi ngón theo hướng dẫn của bác sĩ. Kết quả tái khám sau 3 tháng của người bệnh cho thấy, phần khuyết hổng da gan bàn tay liền ổn định. Các ngón tay gấp - duỗi tốt. Anh Ngọc đã cầm được tông đơ để cắt tóc. Theo Giáo sư Tiến, cảm giác của vạt da sẽ phục hồi sau một thời gian ngắn.
Hình ảnh tay phải của bệnh nhân bị di chứng do bỏng điện (2 hình trái) và phần vạt cánh tay được sử dụng trong phẫu thuật (hình phải). Ảnh Bệnh viện cung cấp.
Giáo sư Nguyễn Việt Tiến chia sẻ, cuộc phẫu thuật lần 2 sẽ chuyển ngón chân phục hồi ngón tay cái bị cụt. Dự kiến sẽ tiến hành sau phẫu thuật lần đầu khoảng 3 - 4 tháng, đó là thời gian để bệnh nhân tập luyện phục hồi gấp - duỗi ngón tay. Bàn tay khi có ngón cái sẽ phục hồi các động tác cầm nắm, nhón nhặt và nhất là giúp anh Ngọc cầm được kéo, trở lại với nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bỏng điện là một trong những tai nạn thường gặp gây tổn thương các mô hoặc các cơ quan như tim, thận, thần kinh, xương và cơ bắp, thậm chí gây tử vong. Giáo sư Tiến khuyến cáo, khi bị bỏng điện, cần sơ cứu bằng cách làm mát vết bỏng, che phủ vết bỏng bằng băng sạch. Vết thương bỏng điện thường là tổn thương sâu nên nhìn bên ngoài không thể đánh giá hết những tổn thương bên trong. Vì vậy, sau sơ cứu cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.
Giáo sư Nguyễn Việt Tiến từng thực hiện nhiều ca mổ nối chi thể đứt lìa và chuyển vạt tự do để điều trị những khuyết hổng ở chi thể như vạt da, vạt cân đơn thuần, vạt cơ, vạt xương, vạt phức hợp da - cơ, da - xương, da - gân, chuyển ngón chân phục hồi ngón tay với tỷ lệ thành công khoảng 95%, trong đó có nhiều trường hợp đứng trước nguy cơ cắt cụt. Đặc biệt, từ năm 2006, Giáo sư Tiến đã thành công điều trị liệt tay do tổn thương đám rối thần kinh cánh tay bằng phẫu thuật chuyển thần kinh từ bên tay lành sang bên tay liệt qua đoạn thần kinh ghép có nối mạch nuôi. Đây là một trong những kỹ thuật khó, hiện ít nơi có thể thực hiện.
*Tên nhân vật được thay đổi
Nguồn: Sưu tầm