Nếu được phát hiện sớm, hội chứng ống cổ tay có thể được điều trị khỏi hoàn toàn bằng các phương pháp bảo tồn, không cần phải phẫu thuật.
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng bệnh lý chèn ép dây thần kinh ngoại biên thường gặp nhất. Đa số các trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay thường không tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Trong một số trường hợp khác, hội chứng này có thể xảy ra do biến dạng khớp và các chấn thương như gãy xương, trật khớp... ở vùng cổ tay; các loại u như u tế bào khổng lồ xương và bao gân, u máu, nang hoạt dịch... Ngoài ra, những tình trạng sức khỏe khác, bao gồm ứ dịch lúc mang thai, gout, viêm khớp dạng thấp, suy giáp, chạy thận... cũng có thể dẫn đến hội chứng ống cổ tay.
BS.CKI Nguyễn Ngọc Công, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, việc lựa chọn phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay sẽ phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh. Các phương pháp chữa trị bao gồm:
Điều trị nội khoa: Được chỉ định trong giai đoạn đầu của hội chứng viêm đau ống cổ tay. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm phi steroid hoặc corticoid đường uống. Trong giai đoạn này, người bệnh cần hạn chế các thao tác gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức vì có thể làm tăng áp lực trong ống cổ tay.
Dùng nẹp cổ tay: Các nghiên cứu cho thấy dùng nẹp cổ tay có tác dụng cải thiện triệu chứng bệnh sau 4 tuần điều trị. Người bệnh có thể nẹp vào ban đêm hoặc liên tục cả ngày.
Điều trị ngoại khoa: Được áp dụng cho người bệnh ở giai đoạn nặng, có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa nhiều tháng mà tình trạng không thuyên giảm. Kỹ thuật một lỗ với đường mổ nhỏ chưa đến một cm là phương pháp điều trị ngoại khoa chính được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Phương pháp phẫu thuật nội soi này mang đến những ưu điểm vượt trội hơn so với phương pháp mổ dọc theo gan bàn tay truyền thống là ít xâm lấn, ít tai biến, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, yếu tố thẩm mỹ được đảm bảo, thời gian phục hồi nhanh hơn, người bệnh có thể về nhà ngay sau khi thực hiện phẫu thuật.
Ngoài ra, để không làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị, người bệnh cần tránh rượu bia và các loại đồ uống có cồn. Vì bia rượu sẽ làm suy giảm nồng độ canxi trong cơ thể, ức chế quá trình hình thành các tế bào xương mới, đồng thời tăng cảm giác đau tại khớp bị viêm.
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, cần đảm bảo cung cấp cho cơ thể đủ nước và các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất... Trong sinh hoạt, cần lưu ý kết hợp đúng cách giữa vận động và nghỉ ngơi để giảm thiểu các căng thẳng, áp lực lên cổ tay. Người bệnh nên nhẹ nhàng duỗi và xoa bóp cổ tay sau mỗi 15 - 30 phút làm việc, dùng bàn phím và chuột máy tính phù hợp với bàn tay, ngồi làm việc đúng tư thế...
Bác sĩ Ngọc Công khuyến cáo, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hội chứng ống cổ tay có thể gây ra những tổn thương và di chứng kéo dài làm teo cơ, giảm chức năng và vận động bàn tay, tàn phế... Ngược lại, nếu được điều trị sớm, bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Vì vậy, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như tê bì tay chân, dị cảm, đau buốt do kim châm hoặc rát bỏng ở vùng da ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út. Các triệu chứng này biểu hiện từ cổ tay đến các ngón và có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn khi về đêm, làm suy giảm chất lượng giấc ngủ. Khó cầm nắm, bàn tay giảm sự khéo léo cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh đã tiến vào giai đoạn muộn.
*Nguồn: Sưu Tầm