Thay khớp gối được chỉ định trong điều trị thoái hóa khớp nặng, giúp cải thiện đáng kể tình trạng đau và khả năng vận động của người bệnh.
Phẫu thuật thay khớp đầu gối được chỉ định cho những trường hợp tổn thương khớp gối nặng do bệnh lý thoái hóa khớp, di chứng biến dạng vùng khớp gối sau chấn thương hoặc nguyên nhân khác.Một ca mổ thay thế khớp gối đã tổn thương bằng chất liệu nhân tạo thành công sẽ giúp cải thiện các cơn đau và tình trạng biến dạng chi, nhờ đó giúp việc di chuyển của người bệnh trở nên dễ dàng hơn.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, để một ca mổ thay khớp gối diễn ra thành công và người bệnh phục hồi chức năng vận động thì cần có sự chuẩn bị tốt trong cả 3 giai đoạn trước, trong và sau phẫu thuật.
Trước khi mổ thay khớp gối
Thoái hóa khớp gối là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, đây cũng là nhóm đối tượng dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe khác như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường... Do đó, trước khi phẫu thuật thay khớp gối, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá sức khỏe tổng thể, kiểm tra tiền sử sử dụng thuốc... của người bệnh và chỉ định thực hiện những biện pháp nhằm ổn định các bệnh lý nền nếu có. Điều này giúp cho cơ thể đạt được trạng thái hoàn hảo nhất có thể, giúp cho quá trình hồi phục sau mổ diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được làm quen với các bài tập vật lý trị liệu để có thể đi đúng cách và phòng chống té ngã sau khi thay khớp.
Trong khi mổ thay khớp gối
Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường mổ dọc trước gối, dài khoảng 10 cm từ lồi củ xương chày tới trên xương bánh chè. Loại bỏ phần xương và sụn khớp đã bị hư hại ở hai đầu xương của mâm chày và lồi cầu đùi. Sau đó ốp hai mảnh kim loại vào hai đầu xương và giữ chặt bằng một lớp xi măng y khoa mỏng. Đồng thời một mảnh nhựa polyethylene, dày khoảng 10 mm sẽ được chèn vào giữa hai mảnh kim loại và chịu trách nhiệm như một lớp đệm sụn thật thụ, giúp cho khớp gối cử động nhẹ nhàng và giảm đau rõ rệt.
Trong phẫu thuật thay khớp gối, dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau đều sẽ bị loại bỏ vì khớp gối nhân tạo có các thiết kế thay thế hai dây chằng này. Tiếp theo, bác sĩ sẽ đặt ống dẫn lưu để dẫn máu và dịch từ trong khớp ra ngoài. Cuối cùng là tiến hành khâu lại vết mổ, hoàn thành phẫu thuật thay khớp gối.
Sau khi mổ thay khớp gối
Một trong những biến chứng thường gặp nhất sau khi mổ thay khớp gối là thuyên tắc tĩnh mạch. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tình trạng này, người bệnh cần đi lại sớm. Thông thường, ngay ngày đầu tiên sau mổ, người bệnh sẽ được tiến hành tập vật lý trị liệu. 2 tuần sau mổ, người bệnh sẽ được cắt chỉ và loại bỏ các dụng cụ hỗ trợ đi lại như khung, nạng...
Tiến sĩ Nam Anh khuyến cáo, sau khi thay khớp gối, nếu xuất hiện các vấn đề nhiễm trùng tại răng miệng, móng tay móng chân, viêm họng..., người bệnh cần nhanh chóng gặp bác sĩ và điều trị dứt điểm. Nếu không, vi khuẩn từ các ổ nhiễm trùng có thể đi theo máu đến khớp và gây nhiễm trùng khớp gối.
Sau khi thay khớp gối, người bệnh có thể vận động lại như bình thường, thậm chí là chơi thể thao. Tuy nhiên, trong sinh hoạt hàng ngày, cần tránh các ngồi xổm, gập gối quá 120 độ... Dù không gây đau nhưng các tư thế này làm cho lớp đệm nhựa mau hư hơn nên người bệnh cần hạn chế. Đồng thời, người bệnh đừng nên quên thăm khám bác sĩ định kỳ hoặc ngay khi phát hiện bất thường ở khớp gối.
*Nguồn: Sưu Tầm