Cong vẹo cột sống là tình trạng bất thường cột sống khá phổ biến, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn tuổi. Khi cơ thể phát triển nhanh ở tuổi dậy thì nhưng tư thế học tập hoặc sinh hoạt không phù hợp là nguyên nhân thường gặp nhất gây cong vẹo cột sống. Trong khi ở người lớn tuổi, tình trạng này thường xảy ra do các bệnh lý như thoái hóa cột sống, xẹp đốt sống... Trong một số trường hợp khác, cong vẹo cột sống có thể xảy ra do dị tật bẩm sinh, bệnh lý thần kinh cơ gây yếu hoặc co cứng cơ về một bên.
BS.CKII Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, bác sĩ thường quyết định phương pháp điều trị cong vẹo cột sống dựa trên việc đo độ cong góc Cobb, góc tạo ra giữa 2 đường thẳng từ 2 đốt sống bị vẹo nặng nhất.
Nếu góc này dưới 10 độ, người bệnh sẽ được điều trị bằng cách thay đổi tư thế sinh hoạt, thực hiện các động tác tập trung vào cơ cạnh cột sống để lấy lại cân bằng cơ, tự nắn cột sống. Khi góc Cobb từ 10 độ - 40 độ, cần kết hợp đồng thời hai phương pháp là nắn chỉnh cột sống và tập mạnh cơ bên yếu hơn. Điều này giúp cân xứng cơ cạnh cột sống và các cơ liên quan ở hai bên. Cuối cùng, nếu góc Cobb trên 40 độ, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, những người bệnh cong vẹo cột sống ở mức độ trung bình sẽ được tập phục hồi chức năng với các máy tập cơ cạnh cột sống chuyên biệt, máy tập cơ vùng vai bên thấp và hông bên cao hơn. Ngoài việc tăng cường sức mạnh cơ, các máy này còn có tác dụng đo lực cơ hai bên. Từ đó giúp đánh giá chính xác cơ nào yếu hơn để tập trung rèn luyện vì ở người cong vẹo cột sống, luôn có một bên cơ yếu hơn.
Các bài tập và các loại máy khác nhau sẽ có chức năng khác nhau như:
Máy tập động tác xoay cơ cạnh cột sống: Giúp giảm dần sự xoay trục cột sống vì một số người bệnh vừa bị cong vẹo cột sống vừa bị xoay trục cột sống.
Máy tập sức mạnh co – giãn cơ cạnh sống: Sau khi đo lực cơ hai bên bằng máy này, chương trình tập sẽ ưu tiên tập cơ bên yếu hơn, là nhóm cơ bên cột sống cong lõm. Các bài tập cần được thực hiện cho đến khi đến khi đo lại thấy sức cơ hai bên đều nhau và cột sống thẳng ra là đạt yêu cầu.
Tập mạnh cơ vùng vai bên thấp với máy kéo trọng lực hoặc tạ ở các nhóm cơ phía trước và phía sau vai – ngực. Mục tiêu của bài tập này là tăng cường sức mạnh cơ lưng rộng, cơ dưới vai, cơ răng cưa, cơ thang, cơ ngực lớn... Từ đó vừa giúp cột sống bớt lệch vẹo, vừa giúp nâng vai bên thấp lên.
Không chỉ tập luyện với các trang thiết bị hiện đại, trong quá trình điều trị cong vẹo cột sống, các bác sĩ sẽ đồng thời nắn chỉnh cột sống thông qua các tư thế tập luyện phù hợp như nắn nằm nghiêng và chêm gối tại đỉnh đường cong, hoặc nằm ở tư thế sư tử, tập nắn cột sống với tường... Để đẩy nhanh hiệu quả điều trị, người bệnh có thể tự tập thêm tại nhà khoảng 30-60 phút/ngày. Vừa nắn chỉnh cột sống, vừa tập cơ làm cho các cơ cân xứng ở hai bên cột sống dần trở lại tư thế bình thường, không còn cong vẹo cột sống.
Bác sĩ Xuân Thắng khuyến cáo, cong vẹo cột sống có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tim phổi, làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống sớm... Vì vậy, người bệnh đừng nên chủ quan, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các bất thường ở cột sống.
*Nguồn: Sưu Tầm