Bệnh nhân đái tháo đường nên bổ sung trái cây, rau củ, cá béo, các sản phẩm từ sữa, quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn.
Chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường thường được bác sĩ xây dựng và cân nhắc thận trọng để cân bằng lượng đường trong máu, tránh làm ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát bệnh. Dưới đây là một số loại thực phẩm mà bệnh nhân có thể bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày.
Trái cây và rau củ
Việc kiêng cữ carbohydrate không có nghĩa là bệnh nhân đái tháo đường sẽ phải tránh tuyệt đối trái cây. Trái cây và rau xanh cung cấp ít calo nhưng lại chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Các loại thực phẩm này sẽ giúp hệ tiêu hóa của bệnh nhân đái tháo đường hoạt động tốt, đồng thời làm tăng thêm hương vị và sự đa dạng cho bữa ăn. Trái cây và rau củ còn giúp bảo vệ bệnh nhân đái tháo đường khỏi nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ và một số bệnh ung thư. Đây là những bệnh lý dễ phát triển khi người bệnh bị đái tháo đường.
Bệnh nhân nên lựa chọn các loại trái cây và rau củ có màu sắc khác nhau để nhận được nhiều loại vitamin và khoáng chất nhất có thể. Tuy nhiên, người bị đái đường nên hạn chế uống nước ép trái cây và sinh tố, vì chúng không có nhiều chất xơ, trái cây chín chứa nhiều đường.
Các loại rau mà người bệnh có thể bổ sung vào chế độ ăn là bông cải xanh, cà rốt, rau lá xanh, ớt, cà chua, ngô. Trong khi đó, cam, dưa, quả mọng, táo, chuối và nho là những loại trái cây có lợi cho người bệnh đái tháo đường.
Cá béo
Protein là những hợp chất đóng vai trò quan trọng trong việc cấu tạo và duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Protein có nhiều trong thịt, trứng và cá. Người bệnh được khuyến nghị nên bổ sung các loại cá béo như cá thu, cá hồi và cá mòi vào chế độ ăn. Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống lành mạnh cho người bệnh đái tháo đường nên hạn chế lượng thịt đỏ và thịt đã qua chế biến vì chúng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, ung thư.
Protein có trong các loại cá này tạo cảm giác no lâu và giúp ổn định lượng đường trong máu. Các loại cá béo cũng rất giàu axit béo omega-3 góp phần giảm các dấu hiệu viêm nhiễm và hỗ trợ bảo vệ tim mạch.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa, phô mai và sữa chua chứa nhiều canxi rất tốt cho xương và răng. Đây cũng là nguồn cung cấp protein dồi dào có thể thay thế cho các bữa ăn nếu bệnh nhân chán ăn, khó ăn. Tuy nhiên, một số loại sữa và các sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo, nhất là chất béo bão hòa nên người bệnh đái tháo đường cần lưu ý khi lựa chọn. Sử dụng các sản phẩm từ sữa chứa ít chất béo và đường là gợi ý. Lựa chọn khác có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường là các loại sữa hạt như sữa hạnh nhân, hạt điều, hạt phỉ, yến mạch, đậu nành hoặc đậu phộng.
Quả hạch
Quả hạch mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, chứa chất xơ và ít carbohydrate nên rất phù hợp cho người bị đái tháo đường. Nghiên cứu trên nhiều loại quả hạch khác nhau đã chỉ ra rằng, tiêu thụ thường xuyên loại thực phẩm này sẽ giúp giảm viêm, giảm lượng đường trong máu, chỉ số HBA1c và mức cholesterol LDL có hại. Nhóm thực phẩm này cũng giúp người bị đái tháo đường cải thiện sức khỏe tim mạch.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019 trên hơn 16.000 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 tại Mỹ cho thấy, ăn các loại quả hạch như óc chó, hạnh nhân, hạt phỉ, quả hồ trăn... sẽ làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do bệnh tim mạch. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các loại quả hạch có thể cải thiện mức đường huyết của bệnh nhân.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt chứa hàm lượng chất xơ cao và nhiều chất dinh dưỡng hơn so với ngũ cốc trắng đã qua tinh chế. Lượng chất xơ trong ngũ cốc nguyên hạt sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa và giúp giữ ổn định lượng đường trong máu.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt cũng có chỉ số đường huyết thấp hơn so với các loại ngũ cốc trắng. Điều này có nghĩa là chúng sẽ ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hơn. Bệnh nhân đái tháo đường có thể bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mạch đen, kiều mạch...
*Nguồn: Sưu Tầm