Giấc ngủ không yên là tình trạng thường xuyên trằn trọc trong đêm, dễ thức giấc và không cảm thấy được nghỉ ngơi đủ.
Một hoặc hai đêm mất ngủ không đáng lo ngại, tuy nhiên, nếu các vấn đề về giấc ngủ trở thành mạn tính thì người bệnh nên lưu ý. Ngủ không yên giấc có thể làm suy giảm khả năng nhận thức, mệt mỏi ban ngày, thay đổi tính cách, hay cáu gắt, phản ứng chậm hơn, khó đưa ra quyết định.... Thiếu ngủ còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, béo phì và trầm cảm.
Ngủ không yên là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên và chứng ngủ rũ. Tình trạng này cũng có thể trở nên trầm trọng hơn do rượu hoặc caffein, các loại thuốc khác nhau.
Mất ngủ
Ngủ không yên trong chứng mất ngủ có thể kéo dài vài ngày (mất ngủ tạm thời) hoặc vài tuần, vài tháng (mất ngủ kinh niên). Các triệu chứng mất ngủ bao gồm khó khăn khi đi vào giấc, ngủ ít hơn người bình thường. Mất ngủ mạn tính sẽ có tình trạng khó ngủ nghiêm trọng hơn, thay đổi tâm trạng và các biến chứng sức khỏe liên quan đến thiếu ngủ như khó tập trung và ghi nhớ. Mất ngủ mạn tính là một tình trạng rất thường gặp, nhất là ở người lớn tuổi.
Ngưng thở lúc ngủ
Người bệnh có thể ngừng thở trong khi ngủ, thở hổn hển hoặc ngáy lớn. Ngưng thở lúc ngủ làm gián đoạn giấc ngủ. Buồn ngủ ban ngày cũng là một triệu chứng liên quan khác. Có một số nguyên nhân phổ biến gây ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn như thừa cân hoặc béo phì, sử dụng thuốc, ma túy hoặc rượu, bệnh về đường hô hấp, lão hóa, hút thuốc, rối loạn chu kỳ giấc ngủ REM... Tình trạng này không được điều trị dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên hay bệnh Willis-Ekbom không phải là rối loạn giấc ngủ, nhưng nó gây ra tình trạng bồn chồn ở chân gây khó ngủ. Hội chứng chân không yên là một rối loạn được cho là do giao tiếp kém giữa hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại vi, thường ảnh hưởng đến các chi. Vì các triệu chứng của hội chứng này có thể trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm nên người bệnh khó đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ trở lại khi thức giấc.
Hội chứng ngủ rũ
Chứng ngủ rũ là một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến tín hiệu hóa học của não và kiểm soát sự tỉnh táo và buồn ngủ. Chứng ngủ rũ là một chứng rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Những người mắc chứng ngủ rũ trải qua nhiều triệu chứng, bao gồm ngủ không yên vào ban đêm với nhiều lần thức giấc.
Để ngủ ngon giấc hơn, bạn nên đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm trong ngày, kể cả cuối tuần. Không gian nên yên tĩnh, tối, thư giãn để ngủ trong phòng có nhiệt độ dễ chịu. Không nên sử dụng các thiết bị điện tử như TV, máy tính và điện thoại thông minh trong phòng ngủ. Hạn chế ăn no, caffeine và uống rượu trước khi lên giường. Tăng cường các hoạt động thể chất vào ban ngày để giúp dễ ngủ vào ban đêm.
Người gặp các triệu chứng rối loạn giấc ngủ như ngủ gật khi lái xe, khó tỉnh táo khi xem tivi hoặc đọc sách, khó chú ý hoặc tập trung, cảm thấy buồn ngủ quá mức, mệt mỏi nhiều... thì nên thăm khám bác sĩ.
Ghi lại nhật ký giấc ngủ và các yếu tố có thể góp phần như rượu hoặc caffein có thể giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán phù hợp. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân, các triệu chứng, bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp phù hợp.
Nguồn: Sưu tầm