Khi đĩa đệm lão hóa và bị mất nước, người bệnh sẽ cảm thấy đau lưng từ âm ỉ cho đến dữ dội, đau lan sang tay, hông, gây vận động khó khăn.
Quá trình lão hóa đĩa đệm làm cho những đĩa đệm bị mất nước, dần mỏng hơn và mất khả năng đàn hồi, gây xẹp đĩa đệm. BS.CKI Kim Thành Tri, khoa Thần kinh Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, quá trình tiến triển của bệnh đĩa đệm mất nước được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Các đĩa đệm mất nước nhẹ, giảm khả năng đàn hồi nhưng đốt xương cột sống vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều. Vì vậy, người bệnh thường chỉ cảm thấy đau nhẹ âm ỉ nên chủ quan không thăm khám. Điều này đã tạo điều kiện cho bệnh tiếp tục phát triển.
Giai đoạn 2: Đĩa đệm xẹp và dần trở nên mỏng hơn. Tình trạng này làm thay đổi cấu trúc cột sống, thu hẹp khoảng cách giữa những đốt xương, bắt đầu khởi phát nhiều bệnh liên quan tới cột sống, trong đó, thường gặp nhất là đau cứng lưng và gặp khó khăn khi vận động.
Giai đoạn cuối: Khi bệnh phát triển đến giai đoạn này rất khó điều trị dứt điểm vì đĩa đệm đã trở nên quá mỏng, những đốt xương đã dính liền thành một khối. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức dữ dội ở lưng và cổ vì xương chèn ép lên những dây thần kinh, thậm chí cơn đau có thể lan xuống tay, chân và bàn chân.
Ngoài các triệu chứng theo từng giai đoạn, phần lớn người bệnh mất nước đĩa đệm sẽ gặp phải các vấn đề như đau âm ỉ hoặc dữ dội tại vùng cột sống cổ hoặc cột sống lưng; đau tăng khi thực hiện tư thế cúi người, đứng lên ngồi xuống...; cơn đau có thể lan tới tay, vai, hông, mông, bắp đùi; suy yếu cơ, ngứa ran và tê tứ chi...
Bác sĩ Thành Tri cho biết, nếu đĩa đệm mất nước không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách duy trì cân nặng lành mạnh, thường xuyên tập thể dục và tránh xa những tác nhân gây đau lưng như nâng các vật nặng, ngồi quá lâu... Nếu các triệu chứng bệnh gây khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh áp dụng các phương pháp điều trị như:
Dùng thuốc: Một số loại thuốc như ibuprofen hay naproxen có thể giúp giảm đau và hỗ trợ thư giãn cột sống. Tuy nhiên, thuốc chỉ nên được dùng khi có sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Xoa bóp và massage có thể làm thuyên giảm các cơn đau do khô đĩa đệm và thư giãn những đốt sống.
Vật lý trị liệu giúp tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh cột sống, từ đó tăng khả năng chịu lực và giảm đau hiệu quả.
Giảm cân: Kiểm soát tốt cân nặng có thể giảm bớt áp lực lên đĩa đệm, phòng ngừa tình trạng xẹp hoặc phồng đĩa đệm. Người bệnh nên áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục mỗi ngày để cải thiện triệu chứng bệnh.
Trị liệu thần kinh cột sống: Đây là phương pháp bảo tồn giúp chữa lành tận gốc cơn đau và ngăn ngừa tái phát bằng cách kích thích khả năng tự phục hồi của cơ thể. Bác sĩ sẽ tiến hành nắn chỉnh cấu trúc sai lệch của khớp xương và đĩa đệm, từ đó giải phóng sự chèn ép lên rễ dây thần kinh và ống sống.
Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng giúp giảm viêm, sưng và đau lưng.
Phẫu thuật cột sống thường được chỉ định khi các phương pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả. Những phương pháp phẫu thuật điều trị xẹp đĩa đệm phổ biến gồm: thay thế đĩa đệm nhân tạo và phẫu thuật hợp nhất cột sống. Với phương pháp đầu tiên, bác sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ đĩa đệm bị hư hỏng và thay bằng đĩa đệm nhân tạo. Trong khi đó, với phương pháp thứ hai, bác sĩ tiến hành loại bỏ đĩa đệm tổn thương, sau đó hợp nhất hai đốt sống với nhau để tạo sự ổn định.
Đa số các trường hợp đĩa đệm mất nước có thể được kiểm soát bằng những biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng ngày càng nghiêm trọng, người bệnh nên nhanh chóng trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn, có các phương pháp điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
Nguồn: Sưu tầm