Các loại tế bào gốc khác nhau ở xương có nhiệm vụ sửa chữa các chấn thương xương khác nhau, tạo điều kiện chữa lành gãy xương nhanh hơn.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Stem Cell vào cuối tháng 10 vừa qua, các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Trung tâm Y tế Trẻ em tại UT Southwestern (CRI), Mỹ, đã phát hiện ra rằng, các quần thể tế bào gốc tạo xương khác nhau sẽ góp phần sửa chữa các loại chấn thương xương khác nhau. Cụ thể, trong khi các tế bào gốc tạo xương ở tủy xương liên tục biệt hóa thành các tế bào để duy trì trạng thái ổn định của xương người trưởng thành và sửa chữa một số chấn thương xương nhỏ, thì các tế bào gốc tạo xương ở màng xương chịu trách nhiệm chính trong việc sửa chữa gãy xương.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hiện là bệnh viện duy nhất tại Việt Nam được cấp phép nghiên cứu điều trị thoái hóa khớp bằng tế bào gốc. ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, trong suốt cuộc đời con người, các tế bào gốc tạo xương không ngừng hoạt động để biệt hóa thành các tế bào trưởng thành nhằm duy trì và sửa chữa những tổn thương ở xương. Điểm khác biệt của xương là có nhiều loại tế bào gốc nằm ở các vùng khác nhau của xương, bao gồm trong tủy xương và trong màng xương. Sau các chấn thương ở xương như gãy xương, các tế bào gốc tạo xương trong tủy xương và màng xương bắt đầu tăng sinh để sửa chữa tổn thương này.
Tuy nhiên, các các tế bào gốc tạo xương ở những vùng xương khác nhau sẽ đóng góp khác nhau trong quá trình làm lành xương. Theo đó, các các tế bào gốc tạo xương của tủy xương sửa chữa các chấn thương xương nhỏ và chịu trách nhiệm cho sự phát triển xương mới trong điều kiện bình thường khi trưởng thành. Ngược lại, các các tế bào gốc tạo xương của màng xương chịu trách nhiệm chính trong việc sửa chữa các chấn thương lớn hơn. Đặc biệt các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, các tế bào gốc tạo xương ở màng xương không chỉ tái tạo xương, mà còn tái tạo các tế bào trong tủy xương tại vị trí gãy, sản sinh ra các tế bào gốc tạo xương mới của tủy xương.
Tiến sĩ Sean Morrison, Giám đốc CRI, cho biết: "Việc phát hiện ra rằng, các tế bào gốc tạo xương ở những khu vực khác nhau chịu trách nhiệm cho các khía cạnh khác nhau trong quá trình bảo dưỡng và sửa chữa xương, sẽ cho phép chúng tôi tập trung những nỗ lực tái tạo xương vào đúng quần thể tế bào gốc hơn trong tương lai".
Trong lịch sử y học, vai trò và mức độ đóng góp của tủy xương và các các tế bào gốc tạo xương ở màng xương trong việc sửa chữa xương từng được tranh luận rất nhiều. Một nghiên cứu lớn trước đây cũng được thực hiện trên chuột đã phát hiện ra rằng, các tế bào gốc tạo xương của màng xương được đánh dấu bởi một protein tín hiệu gọi là Gli1+, trong khi các các tế bào gốc tạo xương của tủy xương được đánh dấu bởi thụ thể leptin và adiponectin. Những phát hiện này phù hợp với nghiên cứu của tiến sĩ Morrison. Đó là các tế bào gốc tạo xương dương tính với thụ thể leptin của tủy xương là một nguồn chính của nguyên bào xương mới để bảo trì và sửa chữa xương.
Theo các nhà khoa học, những phát hiện trong nghiên cứu này đã mở ra một số hướng đi mới về tín hiệu kích hoạt các loại tế bào gốc khác nhau ở xương để sửa chữa các chấn thương xương khác nhau. Từ đó, giúp cho các bác sĩ có thể đề ra những phác đồ điều trị thích hợp hơn cho những loại chấn thương xương khác nhau, thúc đẩy quá trình chữa lành gãy xương.
* Nguồn: Sưu Tầm