Tập thể dục vừa phải như đi bộ nhanh, đạp xe… 25 phút mỗi ngày có thể giúp giảm hơn 40% nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu gần đây của Mỹ đăng tải trên trang Daily Mail theo dõi hoạt động của hơn 7.500 người ở độ tuổi 60 cho thấy người ngồi xem tivi một giờ mỗi ngày nguy cơ đột quỵ tăng 14%. Người không vận động trong 13 giờ hoặc hơn từ khi thức dậy vào sáng sớm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 44% so với trường hợp không vận động trong ít hơn 11 giờ. Trong vòng 7 năm, nghiên cứu ghi nhận có 286 ca đột quỵ xảy ra ở những người ít vận động nhất, tức không di chuyển trong 13 giờ trở lên mỗi ngày. Nhóm người này có nguy cơ đột quỵ cao nhất.
Theo nghiên cứu này, nguy cơ đột quỵ có thể giảm khi tập thể dục. Tập thể dục nhẹ 3,5 tiếng mỗi tuần (bao gồm cả làm việc nhà hoặc đi bộ xung quanh nhà) có thể giảm nguy cơ đột quỵ 26% so với việc di chuyển ít hơn 2 giờ mỗi ngày. Những người dành 14 phút trở lên tập thể dục vừa phải hoặc mạnh như đi bộ nhanh, đạp xe hoặc thậm chí làm vườn thì nguy cơ đột quỵ giảm 47% so với những người tập ít hơn ba phút mỗi ngày. Thời lượng tập thể dục vừa phải tối ưu cho những người ở độ tuổi 60 là khoảng 25 phút mỗi ngày.
Hai nghiên năm 2018, 2019 của Mỹ cũng chỉ ra, ít vận động có thể dẫn đến tích tụ chất béo trong động mạch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Hoạt động thể chất giúp giảm nguy cơ đột quỵ bằng cách điều hòa huyết áp, giảm cholesterol, giảm các chất béo tích tụ trong nội tạng và cơ thể.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, có hai loại đột quỵ chính. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ, chiếm khoảng 80% các ca đột quỵ. Bệnh xảy ra khi có sự tắc nghẽn trong mạch máu khiến máu không thể đến một phần của não. Đột quỵ do xuất huyết não, hiếm gặp hơn, xảy ra khi một mạch máu bị vỡ, làm máu ngập một phần não, còn ở các khu vực khác bị mất đi nguồn cung cấp máu.
Nguy cơ tử vong của đột quỵ khá cao: Khoảng 30% người bị xuất huyết dưới nhện chết trước khi đến bệnh viện; 25% khác tử vong trong vòng 24 giờ; 40% số người sống sót sau đột quỵ sẽ tử vong trong vòng một tuần.
Tuổi tác, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, lối sống ít vận động, tiểu đường, tiền sử gia đình và tiền sử bị đột quỵ trước đó hoặc TIA (đột quỵ nhỏ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua) là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ. Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, theo bác sĩ Minh Đức, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, là nguyên nhân thứ ba gây tử vong. Lứa tuổi trung bình bị đột quỵ thường là trên 50 tuổi. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng, chiếm 10-15% tổng các ca đột quỵ.
Đột quỵ có thể phòng ngừa
Bác sĩ Minh Đức cho biết thêm, đột quỵ có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân. Người bệnh cần tuân thủ điều chỉnh lối sống kết hợp với các biện pháp can thiệp bằng thuốc bao gồm: kiểm soát huyết áp cao, bỏ thuốc lá, duy trì cân nặng ổn định, giảm mỡ máu, kiểm tra bệnh tim, quản lý bệnh tiểu đường... Hiện nay, có hai phương pháp khảo sát mạch não để tầm soát, chẩn đoán là chụp cộng hưởng từ mạch máu não và chụp cắt lớp vi tính mạch máu não có tiêm thuốc. Nếu phát hiện dị dạng mạch, bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị nút mạch chủ động trước khi dị dạng bị vỡ.
"Chẩn đoán sớm dị dạng mạch máu não lúc chưa vỡ sẽ mang lại kết quả điều trị cao, chủ động và an toàn gấp 10 lần so với can thiệp lúc mạch đã vỡ", bác sĩ Minh Đức nói.
Người bình thường, người có nguy cơ hoặc tiền sử đột quỵ sẽ có các gói từ cơ bản đến nâng cao phù hợp. Ngoài chụp CT hay MRI não, theo bác sĩ Đức, người bệnh được làm các xét nghiệm đường huyết, công thức máu, điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm gene... để tầm soát đột quỵ hiệu quả.
Nguồn: Sưu tầm