Nhiều người tự tử do trầm cảm nhưng không biết bản thân mắc bệnh và không được điều trị kịp thời.
Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, cứ 40 giây lại có một người chết vì tự tử trên thế giới. Năm 2011, WHO dự đoán đến năm 2030, trầm cảm sẽ là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu trên toàn cầu. Ước tính mỗi năm có gần 40.000 ca tự tử vì trầm cảm tại Việt Nam.
Trầm cảm là bệnh lý có diễn biến phức tạp. Ban đầu người bệnh có thể chỉ có cảm xúc buồn bã, mệt mỏi, mất hứng thú, cảm thấy tự ti... Nhưng sau một thời gian, người bệnh dần rơi vào trạng thái chán nản, tuyệt vọng, thấy bản thân kém cỏi, có lỗi với gia đình. Người bệnh sẽ cảm thấy cuộc đời mình không đáng sống và nghĩ đến cái chết, cho rằng chỉ có chết đi mới thoát khỏi những khổ đau ở hiện tại.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, trầm cảm là rối loạn khá nguy hiểm, tác động đến nhiều mặt như tinh thần, thể chất, chức năng sống và cả niềm vui trong đời sống. Tuy vậy, rất ít người có cái nhìn đúng về trầm cảm, thậm chí không coi trầm cảm là bệnh lý. Nhiều người trầm cảm không biết bản thân mắc bệnh, tự thu mình lại, suy nghĩ lệch lạc và cuối cùng là tìm đến cái chết.
Theo bác sĩ Minh Đức, rối loạn trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, phổ biến nhất là ở nhóm người 18-45 tuổi hay những giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc đời (mới lập gia đình, mới nghỉ hưu...) và phụ nữ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi nam giới. Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm có thể là do rối loạn hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh có trong não bộ (như noradrenaline, serotonin...), sang chấn tâm lý (như phá sản, mất người thân, hôn nhân đổ vỡ, thay đổi chổ ở, thay đổi việc làm...), căng thẳng kéo dài (phụ nữ sau sinh, áp lực học tập, áp lực công việc...) làm sản sinh nhiều gốc tự do tấn công gây tổn thương tế bào thần kinh, suy giảm chức năng não bộ.
Bệnh tật cũng có thể dẫn đến trầm cảm. Nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet cho thấy, tỷ lệ mắc chứng rối loạn trầm cảm tăng 27,6% trên thế giới vào năm 2020 do Covid-19.
Cách phòng ngừa và điều trị trầm cảm
Theo bác sĩ Minh Đức, trầm cảm không phải là một nỗi buồn vu vơ mà là một bệnh lý. Bệnh nhân trầm cảm cần được quan tâm và điều trị như những bệnh lý khác. Để vượt qua trầm cảm, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm - thần kinh để được tư vấn và điều trị sớm.
Người bệnh cần tìm cách tự bước qua những nỗi lo sợ đang hiện hữu trong tâm trí, có lối sống tích cực như ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng mỗi ngày; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao ngoài trời (chạy bộ, đạp xe, bơi lội...) 30 phút đến một tiếng mỗi ngày để tăng cường trao đổi chất và kích thích não thoát khỏi cảm xúc u buồn. Trò chuyện với bạn bè, người thân, đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động xã hội giúp giảm bớt cảm xúc tiêu cực, nâng cao sức khỏe tinh thần. Người bệnh cũng nên tránh xa các bản nhạc buồn, các bộ phim tâm lý, tình cảm ủy mị...
Ăn uống đủ bữa, đủ chất, tăng cường các thực phẩm giàu omega-3, khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa cũng có ích cho người bị trầm cảm. Người bệnh có thể bổ sung thêm các hoạt chất thiên nhiên có khả năng trung hòa các gốc tự do gây hại cho cơ thể như anthocyanin, pterostilbene trong quả blueberry hay các hoạt chất từ ginkgo biloba. Các dưỡng chất này hỗ trợ bảo vệ tế bào thần kinh và mạch máu não, góp phần phục hồi chức năng thần kinh, giảm thiểu căng thẳng, lo âu.
Tác động từ gia đình và người thân có ý nghĩa quan trọng với bệnh nhân trầm cảm. Nếu phát hiện người nhà có các dấu hiệu như chỉ muốn ở một mình, vui buồn bất chợt, hay nói đến cái chết, từ chối điều trị, bỏ thuốc... thì cần đưa tới bệnh viện có chuyên khoa tâm thần kinh để điều trị tích cực sớm. Người thân nên thường xuyên trò chuyện, lắng nghe và động viên, tránh đề cập đến chuyện không vui, không để người bệnh nghĩ mình là gánh nặng của gia đình.
*Nguồn: Sưu Tầm