Viêm khớp thiếu niên là bệnh lý khớp viêm xảy ra ở trẻ dưới 16 tuổi, nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tàn phế, thậm chí là tử vong.
Viêm khớp thiếu niên là một bệnh tự miễn ở trẻ em. Theo Hội thấp khớp học Mỹ và Hội thấp khớp học châu Âu, một trường hợp được xem là viêm khớp thiếu niên khi bệnh gây sưng đau cho trẻ ở ít nhất một khớp trong tối thiểu 6 tuần.
ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, viêm khớp tự phát thiếu niên xảy ra khi viêm làm tăng sinh quá mức các tế bào ở màng hoạt dịch, gây dày màng hoạt dịch, tăng sinh các mạch máu bất thường... dẫn đến tình trạng sưng đau khớp ở trẻ em. Đến nay, nguyên nhân gây viêm khớp thiếu niên vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, bệnh có thể liên quan đến các yếu tố như nhiễm trùng, tiêm vaccine, stress, thiếu vitamin D, chấn thương... hoặc do di truyền, người mẹ hút thuốc lá khi mang thai.
Viêm khớp thiếu niên được chia thành các thể khác nhau, tùy theo triệu chứng bệnh bao gồm:
Thể ít khớp thường gặp ở trẻ em gái. Đây là tình trạng viêm xuất hiện ở tối đa 5 khớp, chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp lớn tại chi dưới như khớp cổ chân, khớp gối... Ngoài ra, ⅓ trường hợp người bệnh mắc viêm khớp thể này còn kèm theo các triệu chứng của viêm màng bồ đào như đỏ, đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ...
Thể nhiều khớp, có ít nhất 5 khớp bị ảnh hưởng. Những khớp này bao gồm cả khớp lớn và khớp nhỏ ở các vị trí như ngón tay, ngón chân, cột sống, thái dương hàm... Các khớp bị ăn mòn, phá huỷ có tính đối xứng.
Thể viêm khớp liên quan viêm ruột phổ biến hơn ở nam giới. Thể viêm này chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp ở chi dưới và khớp cùng chậu, khớp vai, khớp háng... Ngoài ra, tình trạng này còn gây viêm ở ruột, màng bồ đào, điểm bám gân... Đặc biệt, có đến 85% người bệnh viêm khớp thể liên quan viêm ruột có nguy cơ phát triển thành viêm cột sống dính khớp khi trưởng thành.
Thể viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến khớp toàn thân, không có tính chất đối xứng. Triệu chứng đặc trưng của thể này là xuất hiện vảy nến trên da.
Thể hệ thống thường gặp ở khớp cổ tay, khớp cổ chân, khớp gối... Một số triệu chứng toàn thân khác như sốt cao, nổi hạch, nổi ban; tràn dịch màng phổi, màng tim, màng bụng; phình gan, phình lá lách; 10% người bệnh có hội chứng thực bào máu đe dọa tính mạng. Viêm khớp thể này có thể phát triển thành bệnh Still khi trưởng thành. Cần lưu ý rằng, bệnh này dễ nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác như nhiễm trùng, lupus, viêm đa cơ, bạch cầu cấp...
Bác sĩ Thúy Vân cho biết, tùy thuộc vào thể viêm khớp và mức độ bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Những nhóm thuốc thường được dùng để điều trị viêm khớp thiếu niên bao gồm: nhóm thuốc kháng viêm NSAIDs hoặc corticoid; nhóm thuốc chống thấp khớp cổ điển như methotrexate, sulfasalazin; nhóm thuốc sinh học kháng TNF alpha... và nhiều nhóm thuốc khác.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng cứng, dính khớp, trẻ có thể được chỉ định bổ sung các phương pháp điều trị khác như dùng sóng ngắn, tia hồng ngoại, tập các bài tập phục hồi chức năng vận động khớp... Phụ huynh nên khuyến khích trẻ vận động thường xuyên, vừa sức.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể gây cứng hoặc dính khớp, dẫn đến tàn phế; ảnh hưởng đến các cơ quan khác ngoài khớp như da, mắt, nội tạng; thậm chí là tử vong. Ngoài ra, bệnh có thể phát triển thành những bệnh lý khác khi trẻ trưởng thành. Do đó, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám ngay khi phát hiện dấu hiệu bệnh.
Nguồn: Sưu tầm